Dự án góp phần tác động đến năng suất cây trồng, hỗ trợ nông hộ nhỏ trong quá trình phát triển kinh doanh nông nghiệp và cải thiện sinh kế.
Better Life Farming là dự án hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào, tập huấn kỹ thuật giúp nhà nông quản lý dịch hại, quản lý dinh dưỡng và thực hành tưới tiết kiệm thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt, cũng như giúp nông dân tiếp cận thị trường cà phê cao cấp với giá cả minh bạch.
Đây là dự án liên minh của các công ty hàng đầu về nông nghiệp như tập đoàn Bayer, tổ chức IFC (thành viên của World Bank Group), Netafim và Swiss Re Corporate Solutions cùng với các đối tác địa phương gồm Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh (KT) và Công ty TNHH ACOM.
Bằng cách kết nối những đối tác có lĩnh vực chuyên môn toàn cầu với những đối tác ở địa phương, Better Life Farming cung cấp phương pháp canh tác nông nghiệp tiên tiến, hạt giống, công nghệ tưới nhỏ giọt, giải pháp bảo vệ cây trồng, hỗ trợ tài chính, bảo hiểm, công nghệ kỹ thuật số và giải pháp tiếp cận thị trường.
Ông Colin Taylor – Đại diện IFC khu vực Đông Á – Thái Bình Dương chia sẻ về liên minh Better Life Farming. |
“Là một trong những đối tác thành viên của Better Life Farming, IFC giúp các nhà nông thông qua hỗ trợ đào tạo, cải thiện kinh tế và tiếp cận nguồn tài chính, giúp họ quản lý trang trại như một doanh nghiệp”, ông Colin Taylor – Giám đốc Dịch vụ tư vấn kinh doanh nông nghiệp IFC khu vực Đông Á, Thái Bình Dương chia sẻ.
Trong khi đó, công ty ACOM tham gia với mục đích hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào và đảm bảo thu mua đầu ra, góp phần cải thiện năng suất và thu nhập cho nông hộ nhỏ, giảm rủi ro về mặt tài chính.
“Với sự quan tâm lâu dài mang tính bền vững đến nhu cầu của người nông dân, chúng tôi khuyến khích mô hình kinh doanh chuỗi nhằm tạo ra giá trị chung”, ông Laurent Bossolasco – Giám đốc Dịch vụ quản lý bền vững của ACOM khu vực châu Á cho biết.
Tại Việt Nam, dự án đã được triển khai trên cây cà phê ở huyện Lạc Dương và huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng với 190 nông dân tham gia, tổng diện tích 300ha.
Kết quả, so với vụ trước, sản lượng cà phê Arabica ở huyện Lạc Dương tăng 31-33% và sản lượng cà phê Robusta ở huyện Di Linh tăng 17-29%, triển khai 5 khóa tập huấn thu hút 190 nông dân tham gia và 10 mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giúp tiết kiệm nước.
Sau thời gian canh tác theo phương pháp mới, ông Ci’l Mup Ha Phăng, nông dân tại xã Đưng K’Noh, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết khi tham gia chương trình, nông dân được hỗ trợ nhiều về kiến thức và phương pháp canh tác, kế hoạch cho đầu vào và đầu ra.
“Sắp tới tôi sẽ đầu tư vào hệ thống tưới nhỏ giọt, và trên hết, lo để cho con tôi theo hết đại học. Tôi tự hào vì đã gìn giữ được ngành nghề của ông bà và nhờ nó đem lại cuộc sống no ấm cho gia đình và cả cộng đồng”, nông dân tại huyện Lạc Dương chia sẻ thêm.
Một nông dân khác tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng – ông Trần Văn Mạnh cho biết sau khi tham gia dự án, ông được hỗ trợ vật tư nông nghiệp đầu vào, được tập huấn kỹ thuật áp dụng quy trình Much More Coffee kết hợp với chăm sóc nên vườn cà phê nhà ông đã phát triển tốt hơn và đảm bảo thu mua đầu ra nhờ đó kinh tế gia đình cũng ổn định hơn.
Theo ông Kohei Sakata – Tổng giám đốc Bayer Việt Nam, doanh nghiệp sẽ hợp tác chặt chẽ với các nông hộ nhỏ để phát triển sáng kiến này, góp phần tác động đến năng suất cây trồng và hỗ trợ nông hộ nhỏ trong hành trình phát triển kinh doanh nông nghiệp và cải thiện sinh kế của họ.
“Sáng kiến góp phần đảm bảo an toàn về lương thực cho thế giới, thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc là xóa nghèo, xóa đói, cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững và đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn cầu”, ông Kohei Sakata khẳng định.
Các thành viên liên minh Better Life Farming tại sự kiện diễn ra vào 4/12 tại TP HCM. |
Thời gian tới, Better Life Farming sẽ mở rộng tại các địa phương khác của Việt Nam để tiếp cận nhiều nông hộ nhỏ hơn. Dự án hướng đến liên tục đào tạo, giới thiệu đúng đối tác, tiếp cận giải pháp khoa học và hỗ trợ tài chính phù hợp cho các nông hộ. Trước những thách thức của các nông hộ nhỏ, liên minh sẽ không ngừng cải thiện, đánh giá và tiếp cận bằng những phương pháp phù hợp với nhu cầu của từng nhà nông.
Trước đó, dự án được giới thiệu lần đầu tại hội nghị Gạo Quốc tế diễn ra vào ngày 15/10 tại Singapore, áp dụng cho các nông hộ trồng lúa.